Giải "bài toán" trường công lập liên cấp

Thứ năm - 21/11/2019 19:55
Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều địa phương đã sáp nhập trường tiểu học với trung học cơ sở (THCS) thành mô hình trường liên cấp.

Tuy nhiên, do đặc thù chuyên môn khác nhau, không ít nhà trường gặp khó khăn. Điều này đã được khắc phục tại Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Không phải dễ

Chia sẻ với chúng tôi khi được hỏi về quá trình bắt tay vào xây dựng mô hình trường liên cấp tiểu học và THCS thời gian đầu tại xã Bắc Sơn, thầy Nguyễn Văn Mười, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Bắt đầu từ năm 2018, thực hiện chủ trương chung của địa phương, Trường Tiểu học Bắc Sơn và Trường THCS Bắc Sơn tiến hành sáp nhập với tên gọi mới là Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn. Ngay sau sáp nhập, hàng loạt bài toán được đặt ra với không chỉ hoạt động dạy học mà còn cả tâm lý, tư tưởng của đội ngũ nhà giáo, sự ủng hộ của phụ huynh đối với nhà trường theo mô hình mới, sự thích ứng của học sinh thuộc hai cấp học khác nhau khi “về chung một nhà”.

Việc không quá khó, nhưng cũng không dễ. Điều quan trọng đầu tiên là phải làm thế nào để đội ngũ nhà giáo yên tâm tư tưởng, công tác. Bởi quá trình sáp nhập sẽ tinh giản một số bộ phận trùng lắp giữa hai trường cũ. Ngay trong đội ngũ cán bộ quản lý là ban giám hiệu, từ hai hiệu trưởng chỉ còn một. Theo quy định thì trường nào cấp học cao hơn thì hiệu trưởng trường đó sẽ làm hiệu trưởng mới sau sáp nhập. Tuy nhiên, để người còn lại thông về tư tưởng, tâm lý thì việc sắp xếp cán bộ cũng cần thực hiện khoa học nhưng lại phải linh hoạt. Hay như đội ngũ giáo viên các môn chung, từ việc gắn liền chuyên môn với một cấp học thì ở trường mới sẽ phải dạy cả hai cấp. Ví dụ, giáo viên môn Âm nhạc ở cấp học THCS, giờ đây sẽ phải đảm nhiệm lên lớp cả một số lớp ở tiểu học để tinh gọn bộ máy và giải bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ.
 

Không chỉ có vậy, quá trình tổ chức hoạt động học tập, do mục tiêu, phương pháp dạy học với đối tượng học sinh ở hai cấp học khác nhau, thời gian biểu cũng không trùng khớp. Do đó, khi mới sáp nhập, không ít giáo viên tỏ ra lúng túng. Thậm chí, có trường hợp, giờ học của các lớp ở tiểu học gây ảnh hưởng đến hoạt động học tập của học sinh THCS. Ví dụ, thời gian tiết học của tiểu học và THCS khác nhau nên nghỉ giữa giờ của học sinh tiểu học lại rơi vào đúng tiết học của học sinh THCS và ngược lại. Chính sự vênh lệch này đã ảnh hưởng đến chất lượng các giờ học, gây tâm lý không thoải mái cho cả giáo viên và học sinh. Cô Đào Thị Nhung, giáo viên môn Âm nhạc chia sẻ: “Thời gian đầu, hoạt động dạy học của nhà trường liên cấp có bị xáo trộn. Giáo viên chúng tôi cũng gặp lúng túng và phải cố gắng nhiều để thích ứng và bảo đảm chất lượng dạy và học.”

Trong cái khó... ló điều hay

Tham dự một giờ tổ chức dạy học của cô Đào Thị Nhung sau gần hai năm dạy học ở trường liên cấp, chúng tôi nhận thấy những gì cô Nhung chia sẻ giờ chỉ còn là kỷ niệm. Tiết học môn Âm nhạc tại lớp 7C diễn ra khá sôi nổi. Các em học sinh đồng thanh hát vang những giai điệu trong sáng, tự hào. Cô giáo say sưa với bài giảng. Điều đó không chỉ có ở giờ Âm nhạc tại lớp 7C, không chỉ riêng với cô giáo Đào Thị Nhung mà trở thành không khí chung trong các hoạt động dạy học ở Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn hôm nay.

Chúng tôi cũng nhận thấy Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn sử dụng hai tín hiệu báo giờ khác nhau, trống và chuông báo. Lý giải điều này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Mười cho hay: “Chuông báo giờ dành cho các em học sinh tiểu học, còn trống sẽ báo hiệu tiết học của cấp THCS. Cùng với đó, sân chơi giữa giờ của hai cấp học cũng được chia khu để giờ nghỉ của cấp học này không ảnh hưởng đến giờ học của cấp học kia. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa chung của hai cấp học cũng được tổ chức nhiều hơn để học sinh và cán bộ, giáo viên có sự hòa nhập sinh hoạt chung trong một nhà trường”.

Trao đổi với chúng tôi về cách “giải bài toán” trường liên cấp, đặc biệt là đối với công tác tư tưởng cho giáo viên, thầy Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch Công đoàn giáo dục nhà trường, cho biết: "Việc đầu tiên chúng tôi xác định cần phải làm ngay khi chuẩn bị sáp nhập trường là động viên, làm công tác tư tưởng để đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên yên tâm công tác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà có sự sắp xếp vị trí công tác và nhiệm vụ chuyên môn phù hợp với năng lực, nhu cầu của từng giáo viên. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên yên tâm công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ".

Cũng theo thầy Nguyễn Tiến Hùng, thời gian đầu, trong nhiều cuộc họp phụ huynh, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về trường học liên cấp. Phía nhà trường đã phối hợp với địa phương thông qua nhiều hình thức để tuyên truyền giúp phụ huynh thấy rõ điểm tích cực. Đó là, mô hình trường liên cấp sẽ tập trung được mọi nguồn lực xã hội cho giáo dục; phát huy hết hiệu quả, năng lực của đội ngũ nhà giáo; giải quyết được tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ... Khi đã hiểu rõ, phụ huynh đều tích cực ủng hộ các hoạt động của nhà trường.

Từ những cách làm sáng tạo, qua hai năm thực hiện mô hình trường học liên cấp, Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn đạt được nhiều thành tích tốt. Năm học 2018-2019, toàn trường có 14/39 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp huyện, 3 thầy cô đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh; 49 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh... Đánh giá về mô hình trường học liên cấp ở Bắc Sơn, thầy Đinh Bá Khải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà cho rằng: "Đây là một trong số nhiều trường liên cấp tiêu biểu của huyện Hưng Hà. Nhà trường đã khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả hoạt động dạy học ở môi trường và mô hình dạy học mới, đạt được những thành tích cao".

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn