DẤU ẤN CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỚI GIÁO DỤC VIỆT NAM

Thứ ba - 23/07/2024 22:02
DẤU ẤN CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỚI GIÁO DỤC VIỆT NAM

Những câu nói ấn tượng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với giáo dục

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT, kể lại: “Năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm trụ sở Bộ GDĐT. Tổng Bí thư đã nói: “Đây là đền thiêng của giáo dục”. Câu nói dù ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa sâu xa, truyền thông điệp một cách tế nhị phải ý thức giữ “đền thiêng” này và làm mọi việc xứng đáng. Đạo học của đất nước, vai trò của người thầy, quốc gia hưng vong là ở nơi đây”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ đạo để lại dấu ấn trong lĩnh vực giáo dục.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM, Giám đốc phân hiệu Ninh Thuận, cho biết: “Tôi ấn tượng và cảm phục Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một cách toàn diện. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển con người Việt Nam toàn diện, cả về đức, trí, thể, mỹ. Ông cho rằng giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn phải giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Tổng Bí thư luôn ủng hộ việc khuyến khích sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Theo ông, việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Ông cũng khẳng định cần tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh, sinh viên có môi trường học tập, nghiên cứu thuận lợi, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Từ những tư tưởng, quan điểm của Tổng Bí thư, chúng ta tự cảm thấy phải luôn liên hệ với những khía cạnh khác, nếu không nói là cơ sở nền tảng của mọi nền tảng khác trong việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Vì vậy, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình…

Chắc chắn, các thế hệ những người làm công tác giáo dục và đào tạo và những người quan tâm yêu quý nền giáo dục nước nhà luôn cảm nhận được, thấm thía và chiêm ngưỡng không chỉ là lời nói, câu nói bất hủ mà là hành động, là sự quyết liệt, là không có vùng cấm của Tổng Bí thư”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các học sinh, sinh viên tiêu biểu năm 2018.

Trong cuộc gặp gỡ học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017 – 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh, nguyên khí mà suy thì đất nước yếu. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, trong đó có những thành tựu, đóng góp của ngành giáo dục và đào tạo…

… Chúng ta nói phải giáo dục toàn diện, tựu chung lại là đức và tài. Các cháu đã học, phấn đấu giỏi, đạo đức rất tốt nhưng vẫn phải nỗ lực hơn nữa để mỗi một người phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó đức phải là gốc, là trước hết. Nói thế không phải xem nhẹ tài, tài cũng cực kỳ quan trọng, nếu không có tài thì làm sao xây dựng được đất nước, làm sao gọi được là nguyên khí quốc gia. Nhưng các cụ ta nói rồi, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, cho nên phải rất chú ý rèn luyện phẩm chất đạo đức”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 – 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tới ngành giáo dục: “Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”; mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp gỡ nhà giáo Lê Đức Giảng, nguyên Bí thư Chi bộ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10B của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều

Khi tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động: “Cả một thời học sinh của tôi đã gắn liền với ngôi trường này, với biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên. Tôi rất biết ơn những thầy cô – những người đã dạy dỗ tôi nên người và trở thành người tử tế như ngày hôm nay”.

Nghị quyết số 29: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu của đổi mới lần này là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân; giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Đến nay, Nghị quyết 29 đã thực hiện gần 11 năm và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn phát triển đất nước và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 7 thành tựu đạt được bao gồm hệ thống các văn bản được hoàn thiện; Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; Triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm; Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội; Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả; Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.

Trong Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Nghị quyết số 29 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” có vai trò đặc biệt quan trọng. Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đổi với giáo dục, cũng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài”.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944 trong gia đình nông dân tại xã Ðông Hội, huyện Ðông Anh, Hà Nội.

Từ năm 1957 đến năm 1963, ông học trường cấp hai và cấp ba Nguyễn Gia Thiều tại huyện Gia Lâm (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội). Năm 1963, ông theo học Khoa Văn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tốt nghiệp bằng Cử nhân Ngữ văn.

Tháng 8/1973, ông được cử đi học lớp nghiên cứu sinh về kinh tế chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Từ tháng 9/1981 – 8/1983, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ở bộ môn Khoa học Lịch sử tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 1992, ông đã được nhà nước phong hàm phó giáo sư và vào năm 2002, ông được phong hàm lên Giáo sư chuyên ngành Xây dựng Đảng.

Nguồn: //danviet.vn/

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn