Tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã
Theo Bộ Nội vụ, bắt đầu từ ngày 25/4, Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký. Ứng viên lập 2 bản hồ sơ gửi về Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã và tỉnh có huyện nghèo được phê duyệt trong Dự án. |
Đối tượng tham gia Dự án là thanh niên có quốc tịch Việt Nam, có độ tuổi dưới 30, là đoàn viên hoặc đảng viên; có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu công việc. Ưu tiên tuyển chọn người được đào tạo ở các chuyên ngành như: kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nông, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, luật; có phẩm chất đạo đức và sức khỏe tốt; có đơn tình nguyện đến làm việc tại các xã thuộc huyện nghèo theo phân công của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian ít nhất là 5 năm. Trường hợp đối tượng có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc có những sáng kiến đổi mới trong quản lý và được cơ quan có thẩm quyền bố trí, sử dụng vào các vị trí công việc khác theo nhu cầu của tổ chức thì thời gian làm việc trong Dự án của những đội viên này cũng không được dưới 3 năm. Ưu tiên những thanh niên là người thuộc tỉnh có huyện nghèo, là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có hiểu biết về phong tục, tập quán địa phương; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; người có kinh nghiệm trong quản lý hành chính. Hồ sơ đăng ký tham gia Dự án bao gồm: Đơn đăng ký tham gia theo mẫu của Bộ Nội vụ; sơ yếu lý lịch theo mẫu 2c-BNV/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền); bản sao công chứng các văn bằng, chứng chỉ liên quan; bản nhận xét của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi ứng viên từng làm việc trước đó (nếu có). Ứng viên nhận mẫu đơn và sơ yếu lý lịch lập hồ sơ tại //doanthanhnien.vn . Dự án sẽ thành lập Hội đồng tuyển chọn 2 cấp tại Bộ Nội vụ và tại UBND 20 tỉnh có huyện nghèo nhằm tuyển chọn đúng người, đủ tiêu chuẩn làm Phó Chủ tịch UBND xã. Việc tuyển chọn thí điểm tại địa phương sẽ có sự giám sát của các cơ quan truyền thông. Được biết, trong số 20 tỉnh có huyện nghèo tham gia dự án (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng), Hà Giang đứng đầu danh sách với 67 xã được tăng cường Phó Chủ tịch UBND xã, tiếp đó là Lai Châu với 64 xã... Sau khi được tuyển chọn, ứng viên tập trung 1 tháng để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và dành 1 tháng viết báo cáo thu hoạch trước khi về địa phương công tác./. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn